Chính sách mới với công chức, viên chức có hiệu lực từ tháng 11-2020
Sau đây là những chính sách nổi bật liên quan đến công chức, viên chức sẽ có hiệu lực từ tháng 11-2020
1. Căn cứ xác định vị trí việc làm của viên chức
Chính phủ đã ban hành Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, quy định 2 căn cứ xác định vị trí việc của viên chức bao gồm:
– Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập.
– Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-11-2020 và thay thế Nghị định 41/2012/NĐ-CP ngày 8-5-2012.
2. Thêm tiêu chí phân loại vị trí việc làm của viên chức
Nghị định 106/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm tiêu chí phân loại vị trí việc làm của viên chức kể từ ngày 15/11/2020 như sau:
Từ 15-11-2020:
– Phân loại theo khối lượng công việc
+ Vị trí việc làm do một người đảm nhận.
+ Vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận.
+ Vị trí việc làm kiêm nhiệm.
– Phân loại theo tính chất, nội dung công việc.
+ Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý.
+ Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành.
+ Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung (hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính và các vị trí việc làm không giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành của đơn vị sự nghiệp công lập).
+ Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Hiện hành: Chỉ phân theo khối lượng công việc (do một người đảm nhận,do nhiều người đảm nhận hoặc kiêm nhiệm).
3. Chế độ làm việc của viên chức là giảng viên trường cao đẳng
Thông tư 36/2020/TT-BGDĐT về chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm chính thức có hiệu lực từ ngày 20/11/2020.
Theo đó, chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm, giảng viên các trường cao đẳng dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GD&ĐT được quy định như sau:
– Thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính).
– Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn giảng dạy, trong đó một tiết giảng lý thuyết trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) 50 phút được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy.
Đối với các nội dung giảng dạy có tính chất đặc thù, các tiết giảng trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) trên 50 phút giao hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm quy đổi cho phù hợp.
– Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 270 đến 420 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 810 đến 1.260 giờ hành chính).
Trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) phải đảm bảo tối thiểu 50% định mức quy định.
Lưu ý:
– Giảng viên tập sự, thử việc chỉ thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy, đồng thời được miễn giảm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để dành thời gian tham gia dự giờ và tham gia thực tập, thực tế.
– Giảng viên trong thời gian nghỉ hưởng trợ cấp BHXH, nghỉ theo quy định BLLĐ hiện hành được miễn giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy theo tỷ lệ tương ứng với thời gian nghỉ.
4. Bảng lương viên chức giảng dạy trong trường cao đẳng sư phạm
Bảng lương giảng viên là viên chức trong các trường cao đẳng sư phạm công lập được căn cứ theo Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 20/11/2020), cụ thể:
– Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;
– Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
– Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.