HOÀI CẢM

LỜI NHẬN LỖI DỄ THƯƠNG

Năm đó, tôi dạy lớp 5. Lúc ấy, tôi chỉ là giáo viên mới vào nghề.Trong lớp tôi chủ nhiệm có hai học sinh thường hay gây sự và đánh nhau. Điều làm tôi lo lắng là hai em đều có hoàn cảnh khó khăn. Một em thì cha bỏ đi, sống lủi thủi một mình với mẹ. Em kia thì cha mẹ ly dị nhau và đã có gia đình riêng, em phải cùng với đứa em nhỏ sống với ông bà. Thương cho hoàn cảnh của hai em, tôi nghĩ: Mình phải cố gắng giáo dục hai em trở thành người tốt.

Dù thương cảm với hoàn cảnh của hai em nhưng tôi vẫn không đồng tình việc hai em đánh nhau. Tôi đã dùng biện pháp như: nhắc nhở, phân tích cho hai em thấy rõ cái sai của mình cùng tác hại sau những lần đánh nhau. Nhưng vô ích. Chuyện đánh nhau của hai em vẫn xảy ra thường xuyên.

Biết tôi đã cố gắng nhiều trong giáo dục học sinh nên Ban Giám hiệu không  trách gì, chỉ động viên tôi cố gắng rèn luyện các em. Điều đó giúp tôi có thêm nghị lực hơn.

Tôi tìm cách trò chuyện, gần gũi để tìm hiểu thêm về tâm tư của các em. Đồng thời, khéo léo liên hệ với gia đình để tìm cách khuyên răn và tránh gây tổn thương thêm cho hai em. Các em bắt đầu có nhận thức và sửa chữa nên ít đánh nhau hơn. Tôi rất vui.

Nhưng niềm vui chưa thật sự trọn vẹn. Vì có lần, hai em đánh nhau đến nỗi trầy cả tay chân, quần áo bê bết đất. Thậm chí, mặt mày cũng đầy vết trầy xước chỉ

vì bênh vực bạn và em của mình. Can ngăn hai em ra, tôi nhủ với lòng: Mình không thể bỏ cuộc, phải làm sao để hai em thương yêu nhau. Tôi không biết làm gì trong hoàn cảnh này? Vì hai em lúc này thật đáng thương.

Xúc cảm trong lòng, tôi nhẹ nhàng dùng khăn lau vết bẩn trên mặt và tay của hai em. Vừa thoa dầu lên vết thương, tôi nói nhẹ nhàng: “ Hai đứa đánh nhau, cô đau lắm”. Chỉ nói có thế thôi, tôi nghẹn lời. Bỗng một em nói: “ Cô ơi, em sai rồi, em không nên đánh bạn”. Em kia cũng hối hận: “ Em cũng sai, em quá nóng nảy”. Đối với tôi, lời nhận lỗi của hai em sao mà dễ thương quá. Trở về lớp, đến cuối buổi học,  hai em chẳng nói lời nào.

Thế là từ đó về sau, hai em không còn đánh nhau nữa, luôn thương yêu nhau và trở thành đôi bạn tốt. Tôi cũng chợt nhận ra: Tình thương của tôi đã cảm hóa hai em. Tôi lại có thêm kinh nghiệm trong công tác giáo dục của mình.

 

Lê Ngọc Thụy