ỨNG XỬ SƯ PHẠM

XỬ LÝ TÌNH HUỐNG VỀ MỘT HỌC SINH KHÔNG THÍCH ĐI HỌC NÊN THƯỜNG HAY VẮNG MẶT TRÊN LỚP

  1. Mô tả tình huống

Là giáo viên chủ nhiệm lớp 5 trong nhiều năm liền, bản thân tôi cũng gặp nhiều tình huống trong cách ứng xử với học sinh. Nhưng tình huống sau đây đã  đem lại cho tôi nhiều điều bất ngờ và giúp tôi gần gũi với các em hơn.

Cách đây hai năm, trong lớp 5/1 do tôi chủ nhiệm có một học sinh tên Minh Hiếu thường xuyên nghỉ học. Tôi thường nhắc nhở em đi học đều nhưng vô ích. Một tuần, em chỉ đi học một, hai buổi. Có khi cả tuần, em không đi học ngày nào.

Gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm của em ở năm học trước, tôi được biết: Năm học lớp bốn, em Hiếu thường hay nghỉ học. Tuy hoàn cảnh gia đình của em không khó khăn nhưng em lại có nguy cơ bỏ học. Trao đổi với gia đình, mẹ em cho biết: bảo em đi học, em không chịu đi. Gia đình hứa sẽ nhắc nhở em đến trường. Kết quả, em vẫn thường xuyên nghỉ học.

Tìm hiểu từ học sinh, các em cho biết: Hiếu nói học hết lớp 5 sẽ nghỉ học luôn. Tôi gặp riêng em và hỏi: Hằng ngày, ở nhà, em thường hay làm gì? Em trả lời: “Em đi chơi và ngủ”. Nhưng khi tôi hỏi về: Lý do em thường xuyên không đến lớp ? Em cúi đầu, lặng im hồi lâu rồi nói : “ Em không thích đi học!”

Điều này làm tôi bất ngờ. Tôi luôn nghĩ rằng: Bất cứ học trò nào cũng đều thích đi học. Vì ở trường, ở lớp, các em có nhiều bạn bè để cùng học hành, cùng vui chơi. Thật đáng buồn cho tôi, khi biết được học trò của mình không đến lớp chỉ vì không thích đi học. Điều mà tôi cần suy nghĩ là tôi chưa thật sự hiểu em.

  1. Mô tả quá trình xử lý
  2. a) Giáo dục ý thức học tập ở em

Sau khi nghe em nói : “ Em không thích đi học!”. Tôi liền giải thích cho em hiểu: Tuổi em còn nhỏ, nếu nghỉ học ở nhà chẳng giúp được gì nhiều cho gia đình. Tôi còn phân tích cho em thấy rõ : việc đi học chẳng những giúp em biết đọc, biết viết, có thêm hiểu biết và còn giúp ích cho tương lai của em sau này kể cả gia đình của em. Tôi còn kể cho em nghe về những học sinh cũ đã từng học ở Trường TH B nay đã nên người nhờ học đến nơi đến chốn. Đồng thời, tôi động viên em cố gắng đi học đều.

Tôi còn tác động đến em bằng tình cảm chân thành. Tôi nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay em và nói rằng: “ Lớp học thiếu em, các bạn sẽ buồn và mong ước lớn nhất của cô là nhìn thấy em đến lớp và nghe cô giảng bài trong từng tiết học”. Bên cạnh đó, tôi còn giúp em hiểu: việc ba mẹ buôn bán tảo tần lo cho em ăn học, chỉ vì muốn em nên người và cuộc sống của em sau này sung sướng hơn. Sở dĩ, ba mẹ đặt cho em cái tên Minh Hiếu vì mong muốn em lúc nào cũng thông minh, học giỏi và là một đứa con hiếu thảo. Nếu biết được em chăm lo học hành, ba mẹ sẽ rất vui.

Tôi còn giải thích thêm: nghỉ học một ngày sẽ không nắm được kiến thức mới của ngày học hôm đó và sẽ gặp khó khăn khi tiếp thu kiến thức ở ngày học hôm sau. Nghỉ học càng nhiều sẽ mất nhiều kiến thức và kết quả học tập cuối năm sẽ không cao.

Sau khi nghe lời khuyên bảo của tôi, em rất xúc động và hứa với tôi sẽ không nghỉ học nữa.

  1. b) Phối hợp với gia đình động viên em đến lớp thường xuyên

Tuần đầu, sau cuộc nói chuyện giữa tôi và em, em không nghỉ buổi học nào. Tôi liền trao đổi với mẹ em. Trước là báo tin cho gia đình biết: cả tuần qua, em  đến lớp đều đặn. Sau đó, tôi cảm ơn gia đình đã giúp đỡ trong việc nhắc nhở em đi học. Đồng thời, tôi bày tỏ nguyện vọng: mong được sự ủng hộ, giúp đỡ và phối hợp từ phía gia đình trong việc giúp em học tốt và hy vọng rằng  gia đình sẽ tiếp tục động viên em đi học đến nơi đến chốn. Mẹ em rất vui, phấn chấn và hứa sẽ phối hợp với nhà trường.

  1. c) Bồi dưỡng tình cảm và tạo cho em sự hứng thú trong học tập

Ngoài việc phối hợp với gia đình, điều cần thiết mà tôi cần phải thực hiện là làm sao để em không nhàm chán khi  đến lớp. Nếu không tạo sự hứng thú trong học tập, không tạo được sự gắn bó mật thiết giữa em và các bạn, kể cả tình cảm thầy trò giữa em và tôi thì em sẽ không yêu trường, không nhớ đến bạn bè và thầy cô. Điều đó sẽ khiến em rời xa mái trường, bỏ dở con đường học hành.

Trong những giờ học, tôi luôn chú ý đến em và không cho phép mình bỏ quên em dù chỉ một phút. Tôi thường tổ chức các hoạt động tập thể để em cùng học tập, cùng vui chơi với các bạn, khơi dậy ở em sự đồng cảm, chia sẻ, yêu thương bạn. Quan trọng hơn là tạo cho em những kí ức khó quên về tình bạn. Nhờ vậy mà em trở nên dễ mến, gần gũi và biết quan tâm, nhường nhịn và  thương yêu bạn nhiều hơn.

Do em nghỉ học nhiều nên khả năng học tập của em còn hạn chế. Vì vậy, tôi luôn theo sát, giúp đỡ khi em gặp khó khăn trong học tập. Em thường hay rụt rè, ít phát biểu. Những lúc ấy, ánh mắt của tôi luôn hướng về em với niềm tin, sự khích lệ, động viên em cố gắng hơn. Tôi đều gọi mỗi khi em giơ tay phát biểu và chú ý lắng nghe để em thấy rằng trong từng tiết học, tôi rất cần em phát biểu, trình bày ý kiến.  Tôi luôn khen ngợi  khi em có tiến bộ dù nhỏ. Lời khen của tôi giúp em thêm tự tin, hăng say học tập. Những tiết học mới, những giờ học thú vị lôi cuốn, thu hút em tham gia tìm hiểu, kích thích em thêm hứng thú trong học tập và càng gắn bó với trường, lớp hơn.

Ngoài ra, tôi thường trò chuyện với em, tìm hiểu thêm việc học tập của em ở nhà, những việc mà em đã làm giúp ba mẹ,… để có thể biết được những suy nghĩ, mong muốn của em. Tôi cảm thấy mình hiểu em nhiều hơn và em như có thêm niềm vui mới, nghị lực mới khi đến trường.

Suốt cả năm học, em đi học rất đều. Những lúc bị  bệnh, em cũng cố gắng đến trường. Nhờ vậy, em có tiến bộ nhiều trong học tập. Cuối năm, kết quả học tập của em khá cao.

3.Phân tích, nhận xét

  1. a) Về tình huống xảy ra

Việc em Hiếu không thích đi học là do giáo viên chỉ chú trọng đến việc cung cấp tri thức đạo đức và chưa có biện pháp thoả đáng để bồi dưỡng tình cảm, giáo dục động cơ học tập và rèn luyện ở em thói quen đi học đều. Bản thân giáo viên cũng chưa hiểu được tình cảm và suy nghĩ  của  em.

Đối với học sinh tiểu học thì sự thích thú gắn liền với nhu cầu. Nhưng ở em Hiếu,

không có nhu cầu về học tập. Em đã từng nói : Học hết lớp 5 sẽ nghỉ học luôn. Một khi đã không có nhu cầu về học tập thì em sẽ không thích thú gì khi đến trường.Vì vậy, giáo viên cần chú ý hình thành hứng thú học tập cho em. Muốn làm điều đó phải làm cho em hiểu rõ mục đích học tập, tổ chức các hoạt động sao cho em cảm thấy niềm sung sướng khi được học tập và phấn chấn khi nhận kết quả tốt đẹp.

  1. b) Về quá trình xử lý tình huống

Giáo dục ý thức học tập bằng cách tác  động đến tình cảm của em. Bởi vì, tôi biết  tuổi học sinh ở bậc tiểu học là tuổi hoa, tuổi “ sống”  nhiều về tình cảm. Quan trọng hơn là tình cảm còn có một vị trí đặc biệt vì nó là khâu trọng yếu gắn liền với nhận thức và hành động của trẻ em, nhất là ở học sinh tiểu học. Hơn nữa, Hiếu rất ngoan, hoà nhã với bạn bè và em cũng rất yêu thương ba mẹ. Hiểu được điều này, tôi đã  dùng lời lẽ chân thành và tình yêu thương  để khuyên bảo em. Việc làm này nhằm tạo nên xúc cảm ở em và khơi dậy tình cảm bạn bè, thầy trò và gia đình. Đánh thức tình cảm trong em với hy vọng: em  phát hiện sai lầm, cố gắng khắc phục và thay đổi nhận thức theo chiều hướng tốt hơn.

Tuy nhiên, giáo dục tình cảm cần phải tiến hành đồng thời với nâng cao nhận thức và xây dựng thói quen. Cho nên, sự hỗ trợ từ phía gia đình là rất cần thiết. Đặc biệt, trong trường hợp của em Hiếu, gia  đình có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục tính chuyên cần và động viên em tiếp tục con đường học tập.

Để  giúp em Hiếu chuyên cần hơn  trong học tập, trách nhiệm đó thuộc về  tôi – giáo viên chủ nhiệm của em. Tôi đã tìm hiểu  từ những người xung quanh em để hiểu rõ về em hơn. Đầu tiên, em thích thú đi học vì ngôi trường đẹp, có cặp sách mới, tập vở dán nhãn đẹp,… Cho đến khi, em không còn cảm xúc mới lạ về ngôi trường, cặp sách,…  sẽ dễ dàng nhàm chán. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy cần phải thiết lập mối quan hệ bạn bè, thầy cô và bồi dưỡng nơi em tình cảm ấy. Làm sao để em cảm thấy vui vẻ khi được đến trường và nhận ra rằng : ngoài gia đình còn có bạn bè, thầy cô là những người luôn quan tâm, chia sẻ những lúc khó khăn. Một khi, tình cảm ấy được bồi dưỡng đến mức thân thiết, gần gũi sẽ là động lực giúp em khắc phục những khó khăn, trở ngại để vươn lên trong học tập và không thể nào rời xa trường, lớp – nơi có nhiều kỉ niệm đối với em.

Mặt khác, khi vào học, em Hiếu không có nhu cầu về nhận thức. Khi không có nhu cầu nhận thức thì chẳng có tính tích cực trí tuệ và cũng không thích đi học. Gặp những trường hợp này dù có áp dụng biện pháp bắt buộc cũng không làm em chăm chỉ học tập. Vì vậy, việc mà tôi cần làm là phải nhanh chóng làm cho em thích thú những cái thuộc về nội dung hoạt động học, những tri thức mới, xúc cảm đẹp đẽ, cách giải quyết vấn đề thông minh, những khám phá bất ngờ. Đồng thời, tôi đã tạo ra sự chuyển biến từ học tập thụ động sang học tập tích cực, chủ động và sáng tạo để kích khích tính tìm tòi, học hỏi ở em và làm cho em tin vào khả năng nhận thức của mình. Khi đó, nhu cầu nhận thức ở em nảy sinh, hình thành và phát triển. Đó là nguồn năng lượng thôi thúc em không ngừng học hỏi và  thích thú hơn khi đến trường.

  1. c) Về kết quả và tính hiệu quả của các biện pháp

Cuối cùng, tôi cũng nhìn thấy ở em: sự chuyên cần trong học tập. Em đi học rất đều và chuẩn bị bài vở luôn chu đáo. Chưa lần nào, em để tôi phải nhắc nhở về việc học tập của em. Có một lần, tôi thấy em vội vàng chạy vào lớp học khi trống vào lớp  vừa vang lên. Chưa kịp hỏi, em đã mỉm cười với tôi và nói : “ Em ngủ quên, suýt chút nữa là trễ giờ học.” Lúc ấy, tôi rất vui. Em đã thay đổi nhiều : Cậu bé ngày nào mê chơi, thích ngủ, không chịu học hành , giờ lại miệt mài, chăm lo học tập.

Gần đây, tôi nhìn thấy em mặc đồng phục đạp xe đến trường. Tôi thật sự hạnh phúc. Bởi vì, em vẫn tiếp tục con đường học hành mà tôi luôn mong đợi. Mong rằng: em sẽ  đạt nhiều thành tích trong học tập và  tương lai của em sẽ tốt đẹp hơn.

  1. Xây dựng các biện pháp, giải pháp mới

Gặp tình huống của em Hiếu, tôi thật sự bất ngờ. Tôi nhận ra rằng: mình chưa thật sự hiểu em. Bởi vì tôi quá chủ quan, chỉ tin tưởng một cách tự mãn vào kinh nghiệm của chính mình. Tôi nghĩ, trong giao tiếp với học sinh, giáo viên cần tạo điều kiện để gần gũi hiểu biết các em. Sự hiểu biết đó không chỉ ở bề ngoài mà phải từ trái tim của mình – vì nếu không có sự chân thành của giáo viên thì sẽ làm cho tâm hồn của các em chậm mở ra. Sự gần gũi thực sự học sinh trên cơ sở hiểu biết và biết đi sâu vào tâm trạng chủ quan của các em; đoán trước được những phản ứng, cảm xúc có thể xảy ra ở học sinh mà có biện pháp giúp đỡ kịp thời, nhằm hạn chế những tình huống tiêu cực xảy ra cũng như ở trường hợp của em Hiếu.

Trong quá trình xử lý tình huống này, tôi đã biết được cái gì đã kích thích em, cái gì làm em xúc cảm và phải đối xử với em như thế nào để giáo dục tính chuyên cần và khêu gợi ở em sự say mê học tập và mong muốn đến trường. Những việc làm này  thật có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực và có tính khả thi.  Bởi vì, nó chỉ đòi hỏi ở giáo viên: lòng chân thành, sự gần gũi và biết yêu thương  học sinh.

Người viết

 

Lê Ngọc Thụy